Tên miền có thể có dấu hoặc emoji được
Tên miền mà cũng có thể có dấu ư? Nói thiệt là cái này nhiều người hỏi lắm. Nhiều người chắc vẫn nghĩ là tên miền thì bắt buộc phải là không dấu. Nhưng tên miền có dấu (hay nói chính xác hơn là tên miền có ký tự Unicode) đã được triển khai từ năm 2010 rồi. Thậm chí emoji còn có thể dùng cho tên miền được luôn. Có hẳn một trang web thống kê các tên miền dùng emoji trong tên miền luôn: i❤️.ws
Còn tại sao website này dùng tên miền có dấu? Lý do đơn giản là vì đọc chữ có dấu vẫn thích hơn chữ không dấu chứ. Nó cũng giống như việc ai cũng nói được tiếng Anh cả, nhưng được nói tiếng Việt là một điều sung sướng vậy. Việc dùng nó cũng có ưu điểm là tạo được ấn tượng ban đầu mạnh (chắc là với nhiều người đây là lần đầu tiên họ biết là tên miền cũng có thể có dấu). Và miễn là bài viết có chất lượng thì những nhược điểm của nó sẽ thành không quá lớn.
Nhược điểm của tên miền có dấu¶
- Khó gõ
- Nhìn link punnycode trông quái dị, có khi còn giống spam hơn
- Rắc rối kỹ thuật
Khó gõ¶
Quả đúng là muốn gõ ra đúng Quảcầu.com với bàn phím telex thì cũng hơi rắc rối. Phải gõ “quả cầu.com” có dấu cách xong quay lại xóa dấu cách. Với những ai dùng bàn phím điện thoại thì mất công hơn.
Cách khắc phục:
- Google “quả cầu.com” rồi click vào link.
- Trên máy tính thì có thể gõ dấu cách rồi quay lại xoá dấu cách, hoặc bấm ctrl + → sau mỗi chữ để ngắt hẳn việc bỏ dấu trước khi qua chữ mới
- Tạo một tên miền không dấu rồi chuyển hướng sang tên miền chính. Ví dụ như bạn có thể vào quacau.space/home để vào Quảcầu.com.
Nhưng thực ra bây giờ chủ yếu lượt truy cập là thông qua chia sẻ trên Facebook chứ cũng ít ai gõ trực tiếp. Nếu ai phải gõ trực tiếp thì họ cũng đã có đủ động lực để vào rồi. Hơn nữa, sau khi đã truy cập được một lần rồi thì thì địa chỉ sẽ được lưu trong lịch sử trình duyệt và sẽ tự động được gợi ý lại sau khi nhập hai ký tự đầu.
Nhìn link punnycode trông quái dị, có khi còn giống spam hơn¶
Khi chia sẻ trên Facebook, tên miền thay vì hiện là Quảcầu.com sẽ hiện là xn–qucu-hr5aza.com (với Google thì tên miền vẫn hiển thị đúng, không thành vấn đề). Lý do Facebook không hiển thị đúng tên miền là vì vấn đề an toàn. Do có những ký tự ở các bảng chữ cái khác nhau khá giống nhau, nên hacker có thể lợi dụng điều này để làm website giả mạo. Ví dụ như chữ ι (iota) trong bảng chữ cái Hy Lạp khá giống chữ i, chữ ο (omicron) thì giống y chang chữ o, chữ ν (nu) thì giống y chang chữ v, nên nếu đọc không kỹ có thể bấm vào. Bạn nào quan tâm thì có thể đọc về IDN homograph attack.
Cách khắc phục: cũng là tạo tên miền không dấu rồi chuyển hướng sang tên miền chính.
Rắc rối kỹ thuật¶
Vẫn còn những chỗ không hỗ trợ triệt để ký tự có dấu. Cái này thì đúng là chịu. Nhưng kỹ thuật được sinh ra là để phục vụ người dùng, nếu có thể hy sinh thêm một tí cho trải nghiệm người dùng thì tại sao lại không làm?
Ai sử dụng tên miền có dấu với đuôi .vn thì sẽ được miễn phí 20k. Thông tin chi tiết xem tại Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sự khác biệt giữa Windows và Android, Mac trong tên file
Cách các đường dẫn ở những nơi khác nhau xử lý dấu cách và ký tự phi ASCII
Ừ thì nhược điểm vậy đó, rồi thì sao?¶
Thì nếu bạn nhắm nội dung của mình chất lượng đủ để vượt qua được những nhược điểm đó thì cứ việc dùng. Bạn phải xác định là bạn đang tạo ra một thói quen mới cho độc giả, và việc này sẽ cần nhiều sự kiên trì và phản ứng ban đầu. Đây cũng chính là tinh thần “dám đối diện nỗi sợ”, “dám yên tâm rằng mọi chuyện rồi nhất định sẽ tốt đẹp” mà Quả Cầu đang muốn lan toả.
Có vài người nói, “Đưa khách hàng những gì họ muốn.” Nhưng đó không phải là cách của tôi. Công việc của chúng tôi là tìm ra những gì khách hàng sẽ muốn trước cả họ. Tôi nghĩ Henry Ford từng nói, “Nếu tôi hỏi khách hàng họ muốn gì, họ sẽ nói với tôi, ‘Một con ngựa nhanh hơn!’” Người ta không biết mình muốn gì cho đến khi bạn đưa cho họ xem. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ dựa vào nghiên cứu thị trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là đọc ra những thứ còn chưa có trên mấy tờ trang giấy ấy.”